01/10/2023 16:49:39

Tình hình biến động giá tiêu dùng tháng 9 năm 2023

      Trong tháng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành tiếp tục có xu hướng tăng trưởng khá; nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí của người dân tăng trong kỳ nghỉ lễ 2/9; tỉnh có nhiều hoạt động, sự kiện chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện Sĩ Trần Đại Nghĩa; Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023; thời điểm bước vào năm học mới,…kéo theo nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng tác động làm cho một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống giá bán tăng; nhiên liệu xăng dầu, gas đồng loạt tăng giá. Tính chung chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2023 tăng 0,56% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 1,45%; so với tháng 12/2022 tăng 1,56%; bình quân 9 tháng năm 2023 so cùng kỳ tăng 1,68%; so với kỳ gốc năm 2019 tăng 10,1%.
       Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,84%; Giao thông tăng 1,36%; Giáo dục tăng 0,7%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Còn lại các nhóm hàng hóa tiêu dùng khác như: Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giầy dép; Thiết bị và đồ dùng gia đình; Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông giá cả ổn định. 
       Chỉ số giá CPI tháng 9 năm 2023 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhẹ, nguyên nhân chủ yếu là do: 
       - Các mặt hàng gạo, nếp giá tiếp tục tăng phổ biến từ 2-5% so với tháng trước; tác động trực tiếp làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 2,48%, đóng góp vào CPI tăng chung khoảng 0,11% so với tháng trước;
       - Các mặt hàng thịt heo, thịt bò giá bán tăng phổ biến từ 1-2% (tăng từ 1.000-2.000 đ/kg) so với tháng trước; đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,02%;
       - Một số mặt hàng lương thực chế biến như: bún tươi, bánh hủ tiếu, phở,… giá cả tăng nhẹ từ 3-4% so với tháng trước;
       - Một số mặt hàng thực phẩm chế biến như: cá khô, nước mắm, đậu phộng, mè, đậu xanh,… giá cả tăng phổ biến từ 1-2% so với tháng trước;
      - Đa số các mặt hàng thủy hải sản; trái cây; rau cải các loại tươi sống giá tăng phổ biến từ 2-8% so với tháng trước, đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,02%;
       - Đầu tháng giá gas bán đến tay người tiêu dùng tiếp tục tăng khoảng 33.000 đ/bình (12 kg), đóng góp vào CPI tăng chung khoảng 0,1%;
       - Các mặt hàng xăng, dầu nhiều lần được điều chỉnh tăng giá nên tính chung chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 3,36% so với tháng trước, đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,12%;
       - Các loại cát dùng cho xây dựng giá cả tiếp tục có xu hướng tăng từ 3-12% so với tháng trước, tác động làm cho chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 2,08%, đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,04% so với tháng trước;
       - Một số dịch vụ học phí mẫu giáo, nhà trẻ tư thục giá điều chỉnh tăng khoảng 170.000 đ/tháng, tác động làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục mầm non tăng 8,98%, đóng góp vào CPI tăng chung khoảng 0,02% so với tháng trước.
       * Các nhóm hàng hóa khác giá cả tương đối ổn định so với tháng trước; bên cạnh đó cũng có một số ít mặt hàng giá cả tuy có biến động nhưng không đáng kể nên góp phần vào việc bình ổn chỉ số giá CPI chung trên địa bàn tỉnh.
       Nhìn chung trong tháng 9 năm 2023 do tác động của nhiều yếu tố góp phần tăng giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh so với tháng trước; tuy nhiên thì mức độ tăng giá không đáng kể, cụ thể diễn biến chỉ số giá CPI tháng 9 bình quân qua các năm gần đây như sau:    
    
                                                                                                                              Đơn vị tính:%

 

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Chỉ số giá tháng 9 so với tháng trước

-0,04

0,41

0,49

0,92

0,05

0,02

-0,44

-0,03

0,56

Chỉ số giá tháng 9 năm báo cáo so với cùng tháng năm trước

-0,88

3,23

3,68

5,32

1,05

3,22

3,07

3,14

1,45

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 128753