29/05/2023 17:06:52

Tình hình biến động giá tiêu dùng tháng 5 năm 2023

     Trong tháng hoạt động sản xuất của các ngành trên địa bàn có xu hướng tăng trưởng mạnh trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4; nhìn chung nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng trên thị trường rất dồi dào, đa dạng, phong phú về mẫu mãchất lượng; nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng giảm. Ngoài ra do tác động giá xăng dầu giảm; giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông sản giảm kéo theo nhiều nhóm hàng thực phẩm tươi sống giảm giá,… góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,07% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 0,82%; so với tháng 12/2022 giảm 0,14%; bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 2,28% so với bình quân cùng kỳ; so với kỳ gốc năm 2019 tăng 8,26%.

     Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính; có 4 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,7%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,06%. Riêng nhóm giao thông giảm 3,15%. Còn lại các nhóm hàng: Đồ uống và thuốc lá; May mặc, mũ nón, giầy dép; Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông; Giáo dục; Văn hóa, giải trí và du lịch giá cả ổn định.

     Chỉ số giá CPI tháng 5/2023 trên địa bàn có xu hướng giảm là do tác động của một số yếu tố sau:

     - Đa số các loại trứng gia cầm giá giảm phổ biến từ 1-2% so với tháng trước;

     - Các mặt rau cải các loại giá giảm phổ biến từ 2-7% so với tháng trước; tác động làm cho chỉ số giá nhóm rau tươi giảm 0,8%, đóng góp vào CPI giảm chung khoảng 0,02%;

    - Nguồn cung mặt hàng trái cây trên địa bàn rất dồi dào, cạnh tranh với sản phẩm trái cây nhập khẩu nên phần lớn các chủng loại trái cây tươi giá giảm phổ biến từ 2-5%; riêng trái xoài giá giảm đột biến từ 15-20% so với tháng trước. Tác động trực tiếp làm cho chỉ số giá tiêu dùng nhóm quả tươi giảm 2,86%, đóng góp vào CPI chung giảm khoảng 0,04% so với tháng trước;

     - Trong tháng các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh 3 lần; với 02 lần giảm và 01 lần tăng giá nên tính chung chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 7,43% so với tháng trước; đóng góp vào CPI chung giảm khoảng 0,29%.

     * Bên cạnh đó, cũng có một số mặt hàng giá cả có xu hướng tăng so với tháng trước; cụ thể như:

    - Đầu tháng giá gas bán đến tay người tiêu dùng tăng khoảng 2.000 đ/bình (12 kg), tăng 0,55%; đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,01%.

     - Giá cả các mặt hàng thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản tươi sống tăng phổ biến từ 1-2% so với tháng trước. Tác động trực tiếp làm cho chỉ số giá nhóm thực phẩm tươi sống tăng 0,39%, đóng góp vào CPI chung tăng khoảng 0,1% so với tháng trước.

     Trong tháng giá cả hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhà có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước; nhìn chung mức độ tăng giá không đáng kể so với cùng kỳ các năm. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 5 các năm gần đây như sau:

 

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Chỉ số giá tháng 5 so với tháng trước

-0,46

1,17

0,69

0,21

0,20

0,62

-0,07

Chỉ số giá tháng 5 so với cùng tháng năm trước

2,51

5,27

3,45

2,22

2,88

2,99

0,82

THỐNG KÊ

Lượt truy cập: 121951